Trang chủ Luận bàn - Phản biện Bản đồ Việt Nam không phải hình chữ S?

Bản đồ Việt Nam không phải hình chữ S?

265
0

Vì tư duy ước lệ, đại khái đã khiến cho nhiều đơn vị, cá nhân mắc một sai sót khá nghiêm trọng đó là: “vẽ bản đồ quên Trường Sa và Hoàng Sa”. Chúng ta phải thay đổi tư duy đại khái đó mới mong không mắc phải những sai sót này.

LTS: Bấy lâu nay, trên các kênh quảng bá của các doanh nghiệp, vì vô tình mà đã mắc những thiếu sót không đáng có: Không thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa khi vẽ bản đồ Việt Nam. Bài viết sau đây của anh Nguyễn Ngọc Long, một người hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chiến lược truyền thông và thương hiệu cá nhân cung cấp thêm một góc nhìn, lý giải vấn đề này.

Bản đồ Việt Nam không phải hình chữ S?

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!

Hình minh họa bên trái là tấm bản đồ trong tờ rơi quảng cáo, vé mời một sự kiện công nghệ ở Hà Nội. Đơn vị tổ chức nói rằng họ tự hào vì đã thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam trong bản đồ này. Nhưng tôi “bắt bẻ” rằng vị trí được thể hiện của 2 quần đảo là không chính xác. Kể cả trong trường hợp bản đồ chỉ mang tính chất tượng trưng.

Tôi cho rằng, việc cụ thể trong trường hợp này chưa có gì quá nghiêm trọng. Nhưng từ câu chuyện nhỏ của tấm bản đồ ấy mà tôi thấy cần phải nói tới những vấn đề có tầm vóc lớn lao hơn. Đó là ý thức của những người trẻ ở thế hệ 8x chúng tôi, và cả thế hệ 9x, 10x đang từ từ lớn.

Gần đây, các tình nguyện viên trong sự kiện đón tiếp người không chân tay tới Việt Nam đã lộn ngược tấm biểu ngữ có in hình bản đồ Việt Nam khi tiễn anh này về nước. Điều đáng nói là tấm bản đồ ấy cũng hoàn toàn không thể hiện 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi. Thật đáng tiếc là những hình ảnh chưa đẹp ấy vẫn được lên sóng Truyền hình Quốc Gia VTV1.

Khi phản ánh này việc này trên trang facebook cá nhân, có người góp ý với tôi rằng “không nên sa đà vào tiểu tiết” và “đừng bới lông tìm vết”. Nhận thức như vậy là nguy hiểm, vì khi cho rằng việc đó không quan trọng thì mặc nhiên phát sinh suy nghĩ thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là có cũng được, không có cũng không có gì to tát lắm.

Theo tôi, để xảy ra nhận thức này, có lỗi rất lớn của những người làm giáo dục và hệ thống tuyên truyền của chúng ta. Khi còn học phổ thông, từ thầy cô trong nhà trường cho đến sách vở thơ ca nhạc họa đều phát đi một thông điệp rằng VIỆT NAM HÌNH CHỮ S. Nếu hỏi nước Việt Nam hình gì, tôi sẽ nói Việt Nam hình chữ S, các bạn sẽ nói Việt Nam hình chữ S, và hàng triệu triệu học sinh sinh viên bây giờ cũng sẽ vẫn có câu trả lời như thế. Đó là một điều vô cùng tai hại.

Chính vì đã ăn sâu trong đầu rằng Việt Nam hình chữ S nên từ trong tiềm thức chúng ta đã “gạt” 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ra khỏi suy nghĩ và coi nó như thể một cái gì đó mang tính chất bổ sung không quá quan trọng. Lớn lên một chút, khi chúng ta đi làm, có những va chạm này kia, chúng ta mới nhận thức thêm rằng nếu quên chấm thêm 2 chấm vào bản đồ thì chắc chắn chúng ta bị phạt.

Vậy là sau “chữ S”, chúng ta lại bị ghim vào đầu chữ “thêm” (chấm thêm, cho thêm vào). Lục lại các bài báo, các văn bản, các cuộc thảo luận trên Internet… tôi thấy chữ “thêm” này được xuất hiện rất nhiều. Người ta nhắc nhau “nhớ THÊM Trường Sa – Hoàng Sa vào nhé”. Và chính vì có suy nghĩ việc thể hiện 2 quần đảo đó là “cộng thêm” nên đừng lấy làm lạ khi có những người nói rằng “quên mất thì thôi, đừng khó tính, đừng bới lông tìm vết và đừng sa đà vào tiểu tiết”.

Trường Sa và Hoàng Sa từ xưa đến giờ vẫn là một bộ phận không thể tách rời của đất nước Việt Nam, như là một con người thì mặc nhiên phải có đủ tay chân vậy. Có bao giờ bạn nghĩ rằng khi vẽ hình một người nào đó thì phải nhớ thêm tay chân vào, và có bao giờ bạn nghĩ rằng vẽ người thì vẽ tay chân cũng được mà không có cũng chẳng sao? Vậy có lý do gì lại cho rằng “vẽ thiếu” Hoàng Sa – Trường Sa ở trên bản đồ là không quan trọng? Thực ra, đó là vẽ sai chứ không phải là vẽ thiếu. Và cái bản đồ ấy không phải bản đồ thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam.

Sẽ thật là buồn cười, xấu hổ thậm chí là nhục nhã nếu một ngày nào đó bạn nói với bạn bè quốc tế của bạn rằng “Hey man, Spratlys and Paracels belong to Vietnam” (Xin chào! Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam) và được hỏi ngược lại rằng “But where is it?” (Vậy nó ở đâu?) nhưng bạn chẳng thể nhấc tay chỉ chính xác được rằng Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở chỗ nào trên tấm bản đồ. Nhưng chúng ta không thể yêu nước chỉ bằng cách mặc áo cờ đỏ sao vàng, mang biểu ngữ và hô lên rằng “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” theo cách như vậy được.

Tôi không cho rằng tất cả chúng ta cần phải ghi nhớ mấy trăm trang sách lịch sử dày cộp hay học thuộc lòng xem Hoàng Sa – Trường Sa nằm ở kinh độ, vĩ độ bao nhiêu, có thời tiết khí hậu ra sao, đặc điểm địa chất thế nào (như một nhà nghiên cứu chiến lược Biển Đông)… Nhưng ít nhất cũng phải ghi nhớ trong tiềm thức rằng đó là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và có thể lấy tay chỉ được “ang áng” vị trí 2 quần đảo đó trên tấm bản đồ. Một lần nữa, tôi xin khẳng định rằng, VIỆT NAM CHÚNG TA KHÔNG HỀ CÓ HÌNH CHỮ S.

Bản đồ Việt Nam không phải hình chữ S?

Cách vẽ bản đồ Việt Nam theo “mẹo” của Nguyễn Ngọc Long

Và để có thể “ang áng” được, tôi xin mách các bạn một mẹo nhỏ thế này.

Ai cũng biết Việt Nam có 3 thành phố lớn là Hà Nội ở miền bắc (điểm số 1), Sài Gòn TPHCM ở miền nam (điểm số 3) và Đà Nẵng ở miền trung. Miền Trung tức là ở giữa, nên “suy ra” Đà Nẵng “nằm giữa”, ở “trung điểm” của Sài Gòn và Hà Nội, bạn xác định điểm số 2. Tiếp theo, bạn chỉ cần nhớ rằng Khánh Hòa – Nha Trang “nằm giữa”, ở “trung điểm” của Đà Nẵng và Sài Gòn, bạn sẽ xác định được điểm số 4. Từ điểm số 2 là Đà Nẵng bạn vẽ rộng ra phía Biển Đông và “chếch lên một chút”, chúng ta có quần đảo Hoàng Sa. Từ điểm số 4 là Nha Trang – Khánh Hòa bạn vẽ lấn ra phía Biển Đông và “chếch xuống một chút”, chúng ta có quần đảo Trường Sa.

Thành phố lớn thứ 4 trực thuộc Trung Ương là Thành phố Hải Phòng. Để nhớ “ang áng” vị trí của nó ở bản đồ thì các bạn chỉ cần nhớ nó là thành phố biển nằm gần Hà Nội. Tiếp nữa, ghi nhớ rằng Hải Phòng – Hà Nội và Quảng Ninh tạo thành một tam giác kinh tế trọng điểm ngoài miền bắc, thì bạn có thể xác định được luôn vị trí của tỉnh Quảng Ninh, nơi có Vịnh Hạ Long nổi tiếng.

Và vì nội dung bài viết có mục tiêu hướng dẫn các bạn xác định vị trí Hoàng Sa, Trường Sa chứ không phải để nói về việc vẽ bản đồ chi tiết, nên tôi sẽ tạm thời chưa đề cập các đảo khác như Phú Quốc, Cô Tô, Trà Bản, Thượng Mai, Hạ Mai, Vạn Cảnh, Tuần Châu… trên tấm bản đồ. Tất nhiên, chúng ta đang nói đến việc ghi nhớ “ang áng” nên các vị trí này không hoàn toàn chính xác 100% như thực tế, cách dễ nhất là các bạn hãy coi trên diadiem.com (vì trang này ghi đích danh rằng Quần đảo Hoàng Sa – Đà Nẵng, Việt Nam và quần đảo Trường Sa – Khánh Hòa, Việt Nam).

Bao nhiêu năm qua chúng ta đã bị nhận thức sai, hiểu sai, giáo dục nhau sai thì bây giờ hãy dũng cảm nhìn nhận và làm cho nó đúng. Ngày qua ngày, vẫn có hàng triệu bạn trẻ trên Internet tranh đấu để được đi biểu tình, tự hào khi cầm tấm bảng Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Có bao nhiêu bạn trẻ nói rằng mong ước lớn nhất cuộc đời là một lần được đến Trường Sa. Tôi biết các bạn vô cùng yêu nước. Vậy thì hãy bắt đầu bằng những việc “nhỏ nhặt” nhất nhưng mang ý nghĩa lớn lao, đó là hãy bổ sung kiến thức cần thiết trong vấn đề chủ quyền biển đảo.

Nguyễn Ngọc Long

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây