Trang chủ Luận bàn - Phản biện To chưa chắc đã đúng

To chưa chắc đã đúng

249
0

Chiến Thắng

TO CHƯA CHẮC ĐÃ ĐÚNG

Hội đồng giám mục Việt Nam

Phải khẳng định rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào dù cho tồn tại không ít câu chuyện chúng ta cần suy xét, kiểm định nhưng giáo hội các tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, luôn lấy tiêu chí “sống tốt đời, đẹp đạo”, “ sống phúc âm trong lòng dân tộc” để từ đó hành xử phù hợp. Điều này đựơc minh chứng qua tiến trình lịch sử của dân tộc và vai trò của các tôn giáo nói chung trong đó có đạo Thiên chúa đã chung sức cùng dân tộc làm nên những thắng lợi quyết định. Điển hình như mảnh đất mà giáo phận Vinh đóng chân (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) đã xuất hiện những các liệt sĩ và các nhà cách mạng là người theo đạo Thiên chúa như danh sĩ Nguyễn Trường Tộ (1827-1871), sinh tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Yên, tỉnh Nghệ An; linh mục Phaolô Nguyễn Hoằng (1839-1909), sinh tại xứ Phương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh… Cùng với những Linh mục Công Giáo ái quốc như Linh mục Mai Lão Bạng – người mà trong Giáo Phận Vinh gọi ngài là “Ông Già Châu” và đựơc những con người nổi tiếng cùng thời như Chí sĩ Kỳ ngoại Hầu Cường Ðể, Cụ Phan Sào Nam rất mến phục; các Lm Nguyễn Văn Tường (Quản lý TGM), Lm Nguyễn Thần Ðồng (Cha sở Nhà Thờ Chính Tòa Xã Đoài), và Lm Ðậu Quang Lĩnh (Tổng đại diện Tòa Giám Mục). Cả ba vị đều bị thực dân Pháp kết án 9 năm tù khổ sai biệt xứ và bị đày ra Côn Ðảo ngày 21.10.1909, vì văn hóa Ðông Du….Qua những tấm gương, hình ảnh những người con của Đạo Công Giáo nặng lòng với đất nước cũng làm cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ và đều có chung một niềm tự hào về tinh thần quật cường của dòng máu Nghệ – Tĩnh – Bình anh hùng, trong tất cả mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo. Dù sống trên vùng đất quê mẹ Nghệ-Tĩnh-Bình hay sơ tán trên khắp đất nước Việt Nam hoặc ở một chân trời nào trên thế giới, người Công Giáo Vinh luôn luôn giữ được bản sắc và những phẩm tính cao quí của mình. Ðó là chân thành, trung kiên, chịu khó, cần mẫn, cương quyết và luôn lấy chữ tín làm đầu…Nói về giáo phận Vinh không có nghĩa là các giáo phận khác trên đất nứơc hình chư S này không có những con người như vậy. Có chăng ở đây đang nhấn mạnh đến truyền thống của những giáo phận tiêu biểu. Họ đang và sẽ còn tiếp nối, dạy cho thế hệ ngày hôm nay tinh thần đồng hành cùng dân tộc, lấy cục diện dân tộc để suy nghĩ và hành động.

Tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước những thế hệ trong cộng đồng dân chúa hôm nay đang động viên, cùng nhau viết nên những trang mới trong dòng chảy dân tộc. Đã xuất hiện không ít những điển hình người Công giáo làm ăn giỏi, những mô hình, những nhà khoa học hàng đầu xuất thân từ người Công giáo. Những trí thức Công giáo cũng mạnh dạn thể hiện chính kiến của mình, tích cực thực hiện công việc phản biện, đặc biệt hướng đến những vấn đề hệ trọng của đất nước. Sự dấn thân, sự đồng hành của những tin đồ, chức sắc đã được những tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước ghi nhận. Những hành động ấy không chỉ thiết thực với chính đời sống vật chất, tinh thần của họ mà còn góp phần xây dựng nên hình ảnh giáo hội, giáo dân, giáo sỹ đạo Công giáo hôm nay với những diện mạo hoàn toàn khác, khoả lấp đi một phần những lỗi lầm, những câu chuyện đáng quên đi trong quá khứ của giáo hội. Và về một phương diện nào đó mỗi chúng ta có quyền tự hào về một tương lai tốt đẹp của giáo hội trong quan hệ biện chứng, mối liên hệ với đời sống dân tộc.

Ngay lúc này đây khi Quốc hội kêu gọi mọi nguời dân không phân biệt giai tầng, giới, theo tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào tham gia góp ý, xây dựng bản Hiến pháp mới trên nền Hiến pháp năm 1992, bổ sung những vấn đề mới phù hợp với quy luật khách quan của xu thế phát triển thì hàng trăm cá nhân, các tổ chức tôn giáo và tất nhiên là có đạo Công giáo đã tích cực tham gia. Nhiều ý kiến hay phản ánh tinh thần xây dựng đã được UBDT Hiến pháp ghi nhận và đánh giá cao. Điển hình trong đó là góp ý của giáo dân Nguyễn Trọng Nghĩa, là giáo dân giáo xứ Cao Lãnh – giáo phận Mỹ Tho, ngụ tại số 37, đường Điện Biên Phủ, xã Mỹ Trà, Tp Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đuợc đăng tải trên trang: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5601. Nội dung chính của bản góp ý hướng tới là phản biện lại những nội dung được phản ánh trong Bản nhận định, góp ý của các Giám mục Việt Nam của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trước khi đi vào nhận định, tác giả cũng mạnh dạn bày tỏ những tâm tư của mình: “Vừa qua trên các diễn đàn mạng điện tử đã xuất hiện một thư góp ý sửa đổi dự thảo hiến pháp 1992 (sửa đổi 2013) của các Giám mục Việt Nam. Thiết nghĩ việc góp ý bản dự thảo sửa đổi hiến pháp là quyền và việc cần thiết của mỗi công dân Việt Nam, là việc làm thể hiện chính kiến chính trị của mỗi cá nhân trong xã hội. Đáng lẽ việc góp ý không có gì để một giáo dân – công dân phải quan tâm và quá quan trọng để phải gửi thư góp ý, nhưng vì đây là bản góp ý có liên quan đến chính kiến – chính trị của các vị Giám mục – là những chủ chăn của chúng tôi, là những vị chăm sóc phần hồn cho chúng tôi. Sau khi xem bản nhận định và góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp của các Giám mục Công giáo Việt Nam – Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) tôi có mấy điều góp ý như sau (dàn bài dưới đây, số I, II, III,… là theo sát dàn bài của Bản Nhận Định… của Các Giám Mục Việt Nam): (xem HDGM.php)”.

Tất nhiên, công bằng mà nói đây là một phản biện mang tính cá nhân mà cá nhân thường gắn sự chủ quan trong suy xét và nhận định tình hình. Nhưng quy luật cuộc sống không phải lúc nào tập thể, số đông cũng đúng. Những hạt nhân ý tưởng, những phản biện mang nhiều tính khoa học của giáo dân Nguyễn Trọng Nghĩa đã tấn công trực diện vào những luận điểm mà Hội đồng Giám mục Việt Nam nêu lên.

So sánh những luận điểm này ai trong chúng ta cũng nhận thấy sự đúng đắn của bản góp ý này. Để tiện trong quá trình theo dõi, nhìn nhận và đánh giá tôi xin trích dẫn nguyên văn một vài nhận định bản nhận định của giáo dân Nguyễn Trọng Nghĩa: “Nhận Định Và Góp Ý Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 (Sửa Đổi Năm 2013) Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Các Giám Mục Công Giáo Việt Nam”.

I. Quyền con người

=>Các Giám mục đã ghi: (xem HDGM.php#I) “….Bản dự thảo đã liệt kê khá đầy đủ những quyền căn bản của con người. Vấn đề là làm thế nào để các quyền ấy được hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo pháp luật trong thực tế”?

Góp ý của tôi: Nhận định của các vị chưa đầy đủ và thuyết phục ở các điểm “liệt kê khá đầy đủ” những quyền căn bản của con người vì theo tôi được biết từ bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền thì không phải đã liệt kê “khá đầy đủ” mà thực tế là đã “đầy đủ” các quyền căn bản trong tuyên ngôn nhân quyền; Việc “hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo pháp luật trong thực tế?” là trăn trở của các GM và cũng là của nhiều người nhưng trong “nhận định” tôi thấy rằng ý tứ của các GM cho rằng chính quyền đã không “hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo pháp luật trong thực tế?”. Tuy nhiên, điều cần thiết trong nhận định là phải chứng minh nhận định của mình đúng, điều đó cần thể hiện rằng chủ trương hay chính sách nào đã không “hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo pháp luật trong thực tế?” vì nếu có nơi nào đó có sai trái thì đó theo tôi chỉ là thực trạng của một địa phương nào đó chứ không phải là chủ trương của chính sách hay chủ trương. Vậy thì nhận định của các GM trong 2 ý này là chưa toàn diện và khách quan!!!???

=> Các GM đã ghi: “Dự thảo khẳng định quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo văn học nghệ thuật (điều 43), quyền tự do tín ngưỡng (điều 25). Tuy nhiên, ngay từ đầu, Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (điều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần? Phải chăng những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho tùy lúc tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất khả nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này, thì mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân”.

Góp ý của tôi: Có lẽ các GM chưa có điều kiện tìm hiểu cặn kẽ về bản dự thảo hiến pháp cũng như những lý luận nền tảng đã được công khai khi xây dựng bản dự thảo này, vì tôi thấy rằng các GM không phân tích ý nghĩa của từng điều khoản trong hiến pháp nên đã nhận định chưa đúng với những gì mà tôi đã biết qua các cơ quan truyền thông đại chúng.

Vấn đề “tư tưởng bị đóng khung trong một chủ thuyết” là chưa đúng vì theo tôi được biết chủ nghĩa Mác-lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ tư tưởng quản lý xã hội và đảng cầm quyền chỉ lấy tư tưởng quản lý xã hội chứ không “đóng khung” tư tưởng của người dân.

Quyền tự do ngôn luận hẳn không phải bao gồm quyền “phỉ báng” hay xúc phạm đến người khác hay xuyên tạc nói không đúng một cách cố ý… Quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật cũng không bao gồm sáng tạo nên những tư tưởng cực đoan hay mê tín, đó cũng không phải là quyền sáng tạo hay dựng đứng sự việc để bài xích một hệ tư tưởng khác…. Cũng thế, quyền tự do tín ngưỡng cũng bao gồm quyền tự do không tín ngưỡng và cũng không được nâng tôn giáo mình lên và hạ thấp tôn giáo khác….

Đảng cầm quyền quản lý một xã hội có nhiều người dân thì cần có những chuẩn mực về ngôn phong để giáo dục đạo đức cho con người trong xã hội chứ không phải để bắt người dân “nói theo” đảng. Điều này cũng như giáo dân luôn hiệp thông cùng giáo hội, điều này chúng ta đã trở nên khác biệt với người Tin Lành vì chúng ta chỉ được hiểu kinh thánh từ giáo hội chứ không phải tự do tùy ý giải nghĩa kinh thánh.

Như vậy, các quyền được đề cập

(a) theo tôi tự thân nó được “tự do” theo cụ thể của nó là pháp luật và pháp lệnh tương ứng và nếu có vấn đề thì chỉ cần điều chỉnh ở luật và pháp lệnh chứ không cần thiết điều chỉnh ở hiến pháp;

(b) Tôi không biết chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa vô thần, nên nếu có thể xin hãy chứng minh nhận định này của các GM, vì khi nhận định về một cá nhân hay tổ chức mà không toàn diện, cụ thể hay khách quan thì ý kiến của các GM trở nên chủ quan, thiên kiến và thiếu hiểu biết. Tôi nhận biết cụm từ “cộng sản vô thần” xuất phát từ sự xuyên tạc của những người chống cộng sản từ ý thức hệ như là sự đối trọng giữa “tư bản” và “cộng sản” của thế kỷ trước.

Hiện tại tôi nhận biết rất nhiều người cộng sản có tín ngưỡng của rất nhiều tôn giáo và là của hầu hết các tôn giáo phổ biến, bản thân những người không có tín ngưỡng phổ biến cũng vẫn thờ cúng tổ tiên… vậy thì nhận định người cộng sản vô thần theo tôi là chưa đúng và quá thiên kiến hay chỉ là nhận định chống cộng sản không suy xét!

Những quyền được hiến pháp và pháp luật quy định thì chắc chắn không phải là ân huệ được ban phát cho, và khi đã được ghi vào hiến pháp và pháp luật thì chắc chắn đó là quyền phổ quát, những quyền được ghi vào luật là quyền bất khả xâm phạm và dĩ nhiên là bất khả nhượng! Tôi thấy rất lạ khi các GM không biết điều này và không phân tích hay hiểu một điều hết sức đơn giản này. Tất cả những quyền mà các GM đề cập đều có chế tài nếu cá nhân hoặc tổ chức nào vi phạm, tôi biết điều này vì tôi đã xem rất kỹ những luật này và cả hiến pháp, các vị GM có tìm hiểu hay không mà sao tôi thấy như là các vị không biết đến??? Do vậy, tôi nhận định rằng trong các trăn trở bên trên mà các vị GM đã đề cập chắc rằng tôi không nhận thấy có mâu thuẫn và bất hợp lý! Trái lại thì tôi thấy các vị GM có nhiều điều chưa sáng trong nhận định của mình!

=> Các GM ghi: “Trong thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Đây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ văn hóa và nghệ thuật”.

Góp ý của tôi: Tôi nhận định rằng hệ tư tưởng hiện tại của đảng cầm quyền là một hệ tư tưởng quản lý xã hội theo một chuẩn mực, và đến nay đã ký kết tất cả các hiệp ước về quyền con người mà liên hiệp quốc cũng như hầu hết các quốc gia tiến bộ về nhân quyền đã ký kết. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia tiến bộ về vấn đề nhân quyền – quyền con người nên nếu nhận định “trói buộc” nên bị “kìm hãm” là không thực và quá thiên kiến hay cố ý gán ghép. Vậy nếu được thì xin các GM cho một chứng minh về “sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam”…..

II. Quyền làm chủ của nhân dân

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định (xem HDGM.php#II) của các vị GM về vai trò của nhân dân trong việc quản lý quyền bính chính trị và dĩ nhiên nhận định này là “quá” đúng đắn hoặc đã được ghi rõ trong hiến pháp về quyền này quản lý, giám sát chính quyền được thể hiện khá chi tiết trong từng lĩnh vực thông qua các luật, pháp lệnh. Tôi thường thấy quyền bính chính trị hay quyền giám sát – quản lý của nhân dân luôn xuất hiện ở phần sau của các văn bản quy phạm pháp luật. Có chăng sự giám sát và quản lý của người dân chưa được thực hiện là do trình độ nhận biết của người dân về quyền của mình.

Tôi thấy có mấy nguyên nhân thường xuất hiện trong việc người dân không thể thực thi quyền quản lý, giám sát quyền bính chính trị là: (a) Trình độ học vấn thấp nên không thể tiếp cận với những “quyền” được hiến định. (b) Người dân thờ ơ với “quyền” hiến định, chỉ khi có sự việc xảy ra thì mới “đặt vấn đề về quyền làm chủ” của mình. (c) Do cuộc sống mưu sinh còn khó khăn và khả năng thể hiện trình độ quản lý – giám sát quyền bính chính trị nên người dân gần như “phó thác” quyền hành mà không kiểm tra. (d) Một số cán bộ (thật sự có) có tư tưởng “dân ngu dễ trị” nên tạo nhiều ngăn trở để người dân không nhận biết quyền bính chính trị của mình….

Trong đề nghị về quyền làm chủ của nhân dân của các Giám mục (xem HDGM.php#dng2)

1. Tôi đồng ý một phần ở đề nghị số 1, nhưng cũng chưa đồng ý với nhận định rằng việc đổ hết trách nhiệm “về quyền làm chủ của nhân dân chỉ có trên giấy tờ và lý thuyết” vì (a) Người dân phải ý thức được quyền bính của mình để thực thi chứ không phải chờ chính quyền đến rồi cho rằng quyền của mình là do “ban phát tùy lúc tùy nơi”. (b) Trách nhiệm của người dân là phải luôn nhắc nhở chính quyền và cùng chính quyền quản lý xã hội chứ không phải giao phó không kiểm tra rồi “trách” chính quyền lạm quyền khi có sự việc xảy ra. (c) Cần đề nghị chính quyền phải luôn ý thức mình là công bộc – thừa hành quyền của người dân chứ không phải là “cha mẹ” dân.

2. Tôi không đồng ý với quan điểm số 2 (…) vì mấy lý do sau

(a) Đảng Cộng sản khẳng định mình là liên minh của giai cấp công nhân, nông dân và trí thức! Tôi cho rằng quyền bính chính trị là của nhân dân nhưng lãnh đạo nhân dân chính là một bộ phận nhân dân trong đó ưu việt hơn mà cụ thể là liên minh giai cấp có trình độ quản lý xã hội. Hiện tại, Đảng Cộng sản là một liên minh giai cấp có tư tưởng quản lý xã hội có hệ thống, và hệ thống luôn luôn có tổng kết trong quá trình điều hành nên việc trong thời gian nhất định khi xã hội còn nhiều khó khăn như hiện nay và cần nhiều thời gian để ổn định chính trị cho phát triển thì việc “tạm” nương tựa vào một chủ thuyết “ổn định” sẽ giúp đất nước “ổn định” hơn.

(b) Dân trí ta còn thấp nên khó lòng đòi hỏi thực hiện tối đa các quyền dân chủ mà cần phải có sự điều chỉnh phù hợp! Tôi có thể liệt kê nhiều vấn đề lớn về vấn đề “dân trí thấp” mà “trình độ học vấn cao” được thể hiện hang ngày của người dân mà chính các vị GM phải thừa nhận rằng chính những điều đó chính quyền cần và nên hạn chế quyền của người dân. Tôi ví dụ: Trong các vụ tai nạn giao thông thì người đứng xem – hiếu kỳ luôn là 99%, hay các vị GM có từng nghe tuyên ngôn thuộc linh của Tin Lành vào cuối năm 2009 chưa? (SH: xem Tuyên Ngôn Thuộc Linh) Nếu các Ngài nghe xong tuyên ngôn thuộc linh thì các Ngài sẽ nói dân trí của ta có cao hay không?….

Tôi đồng ý vấn đề mỗi cá nhân trong chính quyền điều phải chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ của mình, nhưng lại không đồng ý cho rằng “cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả” vì: Dù là thể chế chính trị nào, là đa đảng hay độc đảng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi khẳng định rằng dù có là thể chế chính trị mà ở đó đứng đầu là Tổng thống thì chắc rằng vị tổng thống ấy cũng là đại diện cho đảng phái của mình, ông ta chịu trách nhiệm và dĩ nhiên tập thể đảng phái cũng phải chịu trách nhiệm chung.

Tôi thấy vấn đề này không có gì gút mắc ngoại trừ rằng có thể đề nghị việc chịu trách nhiệm cụ thể trước dân của cá nhân và tập thể chính quyền.

(c) Tôi khẳng định rằng càng nhiều đảng phái chính trị hay vô chính trị nắm chính quyền thì chắc chắc nền chính trị với “dân trí thấp” của chúng ta sẽ bất ổn và hậu quả thế nào thì các Ngài có thể đo đến trong từng lĩnh vực. Và rằng các Ngài có nghĩ với trình độ “dân trí thấp” của chúng ta thì các Ngài có chấp nhận tranh luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau như vấn đề phá thai hay hôn nhân không dùng bí tích hôn phối và không “phép chuẩn” của người công giáo với người ngoài hay không? Tôi ví dụ rằng gia đình tôi sẽ không có bữa cơm ngon nếu trong bữa mà các thành viên điều tranh luận vấn đề theo ý kiến của đảng phái, 5 người theo 5 đảng thì bữa cơm thành chiến trường. Các Ngài có từng thấy các dân biểu khác chính đảng đánh nhau tại quốc hội chưa, hay quốc hội phải lén lút thông qua điều luật nào đó mà không mời đại biểu chính đảng phản đối. Chắc hẳn các GM chưa trăn trở điều này nhưng tôi chắc chắc rằng tình hình chính trị ở Việt Nam đến hiện nay là ổn định và tôi muốn điều đó được duy trì!

3. Quyền sở hữu hay “sử dụng” đất đang được tranh luận nhưng thiết nghĩ các vị GM không nên tham gia ý kiến trong phạm vi quyền này vì giáo luật của chúng ta cũng có quy định về tài sản của giáo hội. Trên phương diện quốc tế thì Việt Nam và Vaticăn là 2 quốc gia độc lập về chủ quyền nhưng theo giáo luật thì quyền “tài phán” về tài sản của giáo hội lại vượt ngoài Vaticăn. Điều này có thể gây bất mãn đối với nhiều thành phần trong xã hội nếu một tài sản đất đai của quốc gia nay lại thuộc quyền sở hữu của một quốc gia khác vì chính hiến pháp của chúng ta. Người dân ngoài công giáo thì có thể đòi hỏi quyền này và ngay cả giáo dân cũng có thể. Nhưng hàng giáo phẩm chúng ta lại có 2 quốc tịch và lại nếu hiến pháp cho phép sở hữu đất đai, thì liệu khi các Ngài không muốn giữ lại quốc tịch Việt Nam thì tình huống sẽ trở nên căng thẳng. Mặt khác, nhiều lớp người của nhiều thế hệ cha ông đã hy sinh để có độc lập và chủ quyền lãnh thổ – trong đó có đất đai thì việc quy định toàn dân có quyền sở hữu đất đai là hợp lý và tình. Nếu các Ngài có trăn trở về quyền quản lý đất đai của nhà nước thì tại sao không góp ý cho luật đất đai mà lại đòi quyền sở hữu từ hiến pháp cho thêm rắc rối và dị nghị.

4. Tôi đồng ý với đề nghị số 4.(…)

III. Thi hành quyền bính chính trị:

Vấn đề đề nghị bỏ điều 4 (xem HDGM.php#III) để có được tam quyền phân lập theo tôi là không cần thiết vì:

Điều 74 khẳng định “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” là đúng và điều 4 “lại khẳng định đảng cầm quyền là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” và các Ngài lại bỏ đoạn sau đó là “đảng hoạt động theo quy định của hiến pháp và pháp luật”. Nếu các Ngài cho rằng Quốc hội “là công cụ” của đảng cầm quyền thì tại sao Quốc hội lại bắt đảng phải thực hiện theo hiến pháp và pháp luật của Quốc hội. Vậy thì liệu các Ngài hỏi “việc người dân đi bầu các đại biểu quốc hội có ý nghĩa gì?” là câu hỏi chưa sâu sát vấn đề và hầu như không hiểu cơ chế “tam quyền phân lập” có phân công trách nhiệm là gì?

Tôi đề nghị các Ngài hãy xem lại cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước Việt Nam trước khi các Ngài GM nói “một sự lựa chọn thật sự tự do hay chỉ là thứ dân chủ hình thức?” thì chúng ta hãy tự đặt vấn đề cho chính mình trong xử lý hôn nhân khác tôn giáo bằng giáo luật. Luật hội thánh buộc chúng ta khi kết hôn phải thực hiện việc nhận lãnh “bí tích hôn phối”! nhưng nếu một bên không cùng tôn giáo thì chúng ta cũng cho họ “tự do” không phải theo đạo – học giáo lý, không phải rửa tội và cùng nhận bí tích hôn phối…. nhưng chúng ta lại có “phép chuẩn” buộc phải làm nếu không thì không được “thông phần”. Vậy “phép chuẩn” đã cướp đi “tự do” rồi.

Tôi cho rằng các Ngài GM cố tình không hiểu và gán ghép tội “đảng cầm quyền đứng trên luật pháp”! Bản dự thảo khẳng định “đảng cộng sản hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật” thì Tổng Bí thư chính là đảng viên cộng sản và ông ta chỉ đại diện đảng vì họ là “tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách” mà. Vậy thì nếu quy định về Tổng bí thư thì phải quy định thế nào khi ông ấy là đảng viên và chỉ đại diện đảng cầm quyền?

Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội về hệ thống tư tưởng quản lý xã hội, chứ nào là như các Ngài hiểu, là lãnh đạo bẳng với việc đứng trên luật pháp. Sao các Ngài GM suy nghĩ kỳ lạ và thiếu chiều sâu quá vậy? Chính tòa án đã nhiều lần và ở nhiều nơi xét xử đảng viên cộng sản, nhiều tổ chức đảng bị khiển trách, khai trừ, giải tán theo đề nghị của tòa án. Sao các Ngài không tìm hiểu kỹ càng vấn đề trước khi góp ý! Ngay chính điều lệ đảng cũng có phần giải tán tổ chức đảng nếu tổ chức vi phạm hiến pháp và pháp luật, vi phạm kỷ luật đảng. Chúng ta khẳng định rằng một người phạm tội thì không thể quy hết trách nhiệm cho tổ chức mà người đó là thành viên nếu tổ chức đó không chủ trương làm thành viên của mình phạm tội! Tôi không đánh giá hàng giáo sĩ xấu chỉ vì thấy rằng có nhiều giáo sĩ lạm dụng tình dục, và cũng vì vậy tôi không đánh giá đảng cầm quyền không đủ tư cách lãnh đạo nhà nước và xã hội chỉ vì ở một địa phương có đảng viên xấu!

Trong đề nghị về quyền bính chính trị của các Giám mục (xem HDGM.php#dng3)

1. Vì tôi không nhận thấy đặc quyền nào hay Quốc hội là công cụ của đảng cầm quyền (như đã lý lẽ bên trên) nên tôi không đồng ý với đề nghị số 1 của các GM. (…)

2. Trên thực tế tôi nhận thấy “tam quyền phân lập” kiểu Việt Nam chúng ta trong hiện tại là phù hợp với tâm cảnh người Việt Nam (như đã lý lẽ bên trên) nên tôi thấy không cần thiết rập khuôn tam quyền phân lập phương tây. Mỗi cách có ưu khuyết điểm chứ không có cái nào tối ưu thì tôi đề nghị chọn phương pháp “ổn định” về chính trị như hiện nay.

3. Tôi đồng ý với đề nghị số 3. (…)

Thứ nhất, Con cho rằng các vị Giám mục cũng là những công dân nên không đứng ngoài chính trị, nhưng con nhận thấy rằng những đóng góp và nhận định có hơi hướng của những thành phần chống cộng sản rất thiên kiến và cực đoan hay ngay cả xuyên tạc sự thật (hoặc các vị không biết). Con nghĩ rằng với trình độ của các vị Giám mục thì nhận thức sẽ cao hơn giáo dân chúng con, và con cũng biết rằng những tàn dư mâu thuẫn trong quá khứ và cả hệ tư tưởng quản lý xã hội khác với người cộng sản hẳn đã làm các Ngài không sáng suốt trong nhận định về người cộng sản.

Thứ hai, con nhận biết rằng trong quá trình quản lý đất đai của chính quyền đã có những mâu thuẫn với tài sản của giáo hội nên các Ngài đã nặng lòng chống cộng sản. Điều đó con đã lý lẽ và con thấy các Ngài chưa đúng trong hành xử với những tranh chấp với “công bằng và sự thật”. Con thấy rằng các Ngài đã lợi dụng và bị lợi dụng bởi những người chống cộng để đạt được kết quả về tranh chấp với nhà nước.

Thứ ba, con tin rằng không có 100% các Giám mục có đồng quan điểm và ý kiến của bản góp ý hiến pháp nhưng các vị ấy cũng vẫn phải gánh vác “các giám mục Công giáo Việt Nam” đứng tên trên bản góp ý. Các ngài Giám mục nên biết rằng chúng con cũng có suy tư và cũng có quan điểm về mọi vấn đề rất khác nhau. Ngay khi chúng con nghe rằng có các vụ “giáo sĩ lạm dụng tình dục” thì chúng con đã chia rẽ rất nhiều, người thì đau xót vì tin ấy, người thì phản đối. Rồi quan điểm không được dùng bao cao su hay phá thai cũng làm chúng con khó chịu và đa phần giáo dân giáo xứ chúng con không đồng tình (con nghĩ giáo xứ khác cũng có tỷ lệ của nó), chúng con đã bị chỉ trích về vấn đề cải đạo hôn nhân khác tôn giáo và chúng con đã phải đuối lý đến phải ủng hộ quan điểm đó… Ai cũng cho rằng các vị Giám mục đã không sáng suốt khi đã có những nhận định và góp ý cho bản hiến pháp.

Thứ tư, các Ngài Giám mục không thể đại diện toàn thể dân chúa Việt Nam để góp ý hiến pháp! Nhưng các Ngài đã làm như rằng cả giáo hội gần 7 triệu giáo dân cũng đồng quan điểm với các Ngài. Đây là quyền chính trị của mỗi cá nhân cớ sao các Ngài lại lợi dụng chúng con để gây sức ép? Điều này con rất mong các Ngài trả lời cho chúng con rõ??? Con cho rằng mỗi vị Giám mục cũng là một công dân thì cũng sẽ là một bản góp ý theo ý kiến cá nhân chứ không thể là HĐGM hay là các giám mục Công giáo Việt Nam, con cho đây là mạo danh của các Giám mục khác! Mong các Ngài suy ngẫm lại.”

Về phương diện cá nhân, những bình luận về những điểm đuợc đề cập trong bản nhận định của Giáo dân Nguyễn Trọng Nghĩa trong mối tuơng quan với Bản nhận định, góp ý của các Giám mục Việt Nam của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phản ánh những ý nghĩa hiện sinh và sự đúng đắn mang tính tương đối. Nguyễn Trọng Nghĩa đã đứng trên chính lập trường tín ngưỡng của mình để nói lên những chính kiến của mình. Dẫu biết rằng, con cái không chê cha mẹ nghèo hay một số yếu điểm nào đó nhưng nếu một ai đó, dù là giáo dân hay không im lặng, cố nhiên những thừa nhận những sai phạm của bề trên liệu chăng họ đã sống đúng với bổn đạo và những tinh thần cao cả của Chúa Giêsu chưa? Và chăng họ đã hành xử một cách chân thành với tư cách những tín hữu Kitô chưa? Và phải chăng tinh thần Hiệp thông không còn tồn tại trong họ? Chắc chắn rằng, với sự dũng cảm và tâm huyết của mình giáo dân Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ đối mặt với những luồng búa rìu của dư luận nhưng chúng ta hãycùng cầu chúc và cảm ơn vì sự chân thành của anh – Một tín hữu sống và hành động theo lời Chúa! To chưa chắc đã đúng là vì vậy! ./.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây