Ngẫm ra từ cuộc sống này cũng có lắm điều thị phi. Cái mới ra đời luôn phải đương đầu với những lời đàm tiếu, những khó khăn, chướng ngại từ vô số những thế lực “siêu hình” Lẽ ra cái mới phải được động viên, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển mới phải. Trong điều kiện hiện nay chủ yếu là tác động của “quyền lực thứ tư” trong xã hội – Báo chí. Với những quyền năng được ban tặng từ ngôn từ những “ông vua không ngai” này có những động thái hướng tới bạn đọc, công chúng. Những thông tin được họ chuyển tải, công bố có ý nghĩa trong định hướng dư luận trên những chiều cạnh khác nhau. Dù rằng, trong thời gian gần đây với sự buông lỏng trong khâu quản lý, kiểm duyệt các ấn phẩm và hình thức báo chí chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến những tác động tiêu cực, thậm chí tạo nên những hiệu ứng xã hội gay gắt dẫn đến những luồng dư luận lên án và mong muốn thay đổi một cái lớn lao trong xã hội mà chưa đến lúc để quy kết thành bản chất. Nhưng suy cho cùng, đó cũng là lẽ công bằng. Mọi cái mới, cái tiến bộ như lời chủ nhân của họ công bố phải cho thấy được sức sống của mình thông qua việc dám đối đầu, thể hiện mình, chiến thắng những thử thách mà cuộc sống “ban tặng”.
Như một liều thuốc thử, cái mới sẽ thăng hoa, có sức sống trường tồn nếu sản phẩm đó phù hợp với quy luật khách quan; bản thân những người thực hiện có những phẩm chất phù hợp và giữ được chính mình trong tất cả những khó khăn, thử thách. Ngược lại, chính từ cuộc sống xã hội cũng là “cỗ máy khổng lồ” và đầy quyền năng thực hiện chức năng “đào thải” và chọn lọc tự nhiên khi tiến hành thanh loại và đặt ra yêu cầu cao hơn, đột phá nếu muốn tồn tại.
Từ chính cuộc sống cho thấy, khi đưa ra những cái mới, cái khoa học và tiến bộ, điều đầu tiên những chủ nhân của nó hướng tới là sự quan tâm của đông đảo công chúng. Càng nhiều người quan tâm thể hiện tính thời sự và hạt nhân hợp lý trong nó.
Nhưng từ chính cuộc sống cũng dạy con người ta không phải lúc nào cũng tung hô, ca tụng và dọn đường cho giới truyền thông vào cuộc với những nội dung mang tính ca ngợi, tuyên truyền một chiều. Mọi sự phô trương sẽ là mũi tên xuyên thủng những giá trị phi cuộc sống. Tự thân những giá trị chân chính luôn có cách chứng minh cho mình. Chấp nhận những tác động từ bên ngoài đôi khi cũng là cách chứng minh cho giá trị của mình một cách thuyết phục nhất. Cho nên, nếu có ý kiến cho rằng càng nhiều người quan tâm sẽ khiến vấn đề đang trong giai đoạn “trứng nước” sẽ chịu nhiều áp lực và nguy cơ “chết yểu” cũng cao hơn thì đó là sự lệch lạc trong nhận thức. Mẹ cuộc sống chính là nguồn sữa vô tận để nhân rộng ý tưởng nhưng cũng “nhẫn tâm”, “lạnh lùng” thực hiện chức năng do cuộc sống ban tặng.
Trong thời gian gần đây, khi Đảng, Nhà nước có những động thái tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng với việc thành lập Ban Nội chính Trung ương trực thuộc BCH Trung ương Đảng và vấn đề lựa chọn nhân sư, cơ cấu tổ chức của cơ quan này. Dư luận xã hội quan tâm liệu tính thực chất của vấn đề này là gì? Liệu rằng mô hình này có thành công hay đó cũng chỉ là một hình thái giải pháp mang tính chất tạm thời để đối phó, chống chế lại dư luận xã hội. Nói theo ngôn ngữ đời thường là người cha của mô hình này có chăng đang thực hiện chiêu bài mỵ dân, che dấu đi bản chất, thực tế vốn diễn ra một cách nhức nhối – nạn tham nhũng và lợi ích nhóm??? Những câu hỏi đó được các cơ quan truyền thông lề trái (theo cách nói của những người theo chủ nghĩa Cộng sản) đăng tải một cách sinh động với tần số dày đặc. Những cơ quan truyền thông chính thống hầu như không có một bình luận nào. Phải chăng họ đang chờ một điều gì đó.
Dẫu biết rằng hiện nay các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống là cơ quan đại diện cho tiếng nói của giai cấp cầm quyền. Thực tiễn mô hình báo chí, truyền thông hầu hết trên thế giới đã chứng minh tính tất yếu khách quan của điều này. Sự quản lý, điều chỉnh của những người làm công tác quản lý báo chí, truyền thông trong một chừng mực nhất định cũng khiến dư luận thiếu thông tin, thiếu đi sự nhìn nhận sự thật khách quan. Những đồn đoán cũng vì vậy có điều kiện phát triển. Sự im lặng đó cũng đặt ra một giả thuyết khác, họ đang chờ và nhờ chính cỗ máy cuộc sống chứng minh giá trị. Họ cho rằng, mọi sự “đao to, búa lớn” sẽ trở nên kệch cỡm nếu “đánh trống bỏ dùi”. Trong trường hợp này, sự IM LẶNG cũng đồng nghĩa với sự THẬN TRỌNG. Đằng sau đó, cái mà những người trong cuộc muốn chuyển tải phải chăng là hãy nhìn vào những sản phẩm của chính nó. Điều mà tôi muốn nói không dám và cũng không có ý định phủ nhận đi những giá trị bền vững của cuộc sống như mối liên hệ giữa bản chất và hiện tượng nhưng cũng dám nhấn mạnh và bày tỏ về một phương diện nào đó giá trị của sự im lặng từ những cơ quan báo chí Việt Nam.
Hãy để chính cuộc sống chứng minh và sàng lọc từ chính quy luật tự nhiên rồi hãy đưa ra một nhận xét mang tính tổng thể để gọi đúng tên, bản chất thực sự của Ban Nội chính và công việc thực sự mà Ông Nguyễn Bá Thanh, Phan Đình Trạc, Lê Minh Trí đang làm. Và trong khi đợi chờ điều này, ai trong chúng ta cũng nên học cho mình thái độ kiên nhẫn, không nóng vội và nhìn nhận vấn đề khi chính nó đã trải qua thử thách của chính thời gian./.
Nguồn: Mõ làng