Từ blog của Nguyễn Quang Vinh
Đúng 14 giờ hôm nay, 5/4/2013, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, bắt đầu vang lên câu đầu tiên của Chủ tọa: Nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam….
TÒA TUYÊN ÁN.
Vâng. Đó là phút giây mà hàng triệu người Việt chờ đợi ngóng tin. Cái ngóng tin có lẽ không hẳn chỉ là ngóng tin về mức án của anh em họ Đoàn, hơn thế, cái ngóng tin về cả sự “ tuyên án” rõ ràng về niềm tin vào chế độ, vào xã hội, vào phẩm chất của một đất nước trong quá trình thực thi pháp luật, trong mối quan hệ tới mức nào giữa Nhà nước và nhân dân, vào sự trong sáng của pháp lý…
Sau ba chữ “tòa tuyên án”, như vẫn thường thấy ở các phiên tòa, thân phận một số phận được định đoạt, hoặc là vĩnh viễn cách ly khỏi cuộc sống cộng đồng, hoặc là một quãng thời gian trong trại cải tạo, hoặc là vỡ òa hai tiếng tự do.
Sau ba chữ “ tòa tuyên án”, sức mạnh nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi sai trái của một con người được thể hiện, nhưng nhiều khi, chất nặng lên cuộc đời họ một sự oan sai cay đắng.
Sau ba chữ “ tòa tuyên án”, là thấy ngay được một cách rõ ràng sự trong trẻo của pháp luật hay sự hoen ố của quan tòa, thấy ngay được một bản án được tuyên công tâm hay ẩn họa những mưu mô, những toan tính, những xô đạp, những áp đặt nhằm để thỏa mãn thói cao ngạo của người cầm cân nảy mực tại tòa, cũng đôi khi bộc lộ cả sự ngu dốt, có khi là đáp án trả bài cho một sự can thiệp, có khi là hệ quả cho cả một quá trình tố tụng vô trách nhiệm….
Người được xướng lên ba chữ “tòa tuyên án”, hiểu một cách thực sự, thì đó là một vinh dự quá lớn lao, nhân danh cho cả một đất nước, và chất chứa ở ba từ đó là trách nhiệm, đạo đức, phẩm chất, năng lực của Chủ tọa phiên tòa và hội đồng xét xử.
Trở lại thời khắc 14 giờ hôm nay, 5/4/2013, sẽ lại vang lên ba chữ “ tòa tuyên án”, sẽ lại vang lên trang trọng “ Nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, và sau đó là số phận của anh em họ Đoàn được định đoạt.
Với vụ án Đoàn Văn Vươn, sau ba chữ “tòa tuyên án” có thể là cơ hội vô cùng tốt để đốt cháy niềm tin cháy bỏng của nhân dân vào pháp luật, niềm tin vào nhà nước, vào chế độ, rằng, bất cứ lúc nào, nhân dân cũng được pháp luật bảo hộ quyền sống, quyền cư trú, quyền tài sản, quyền làm việc. Rằng, có thể trong quá trình hành xử, các cấp chính quyền vì nhiều lý do, gặp phải hành động sai trái với nhân dân, và phiên tòa này là minh chứng cho hành động sửa sai của chính quyền, là câu trả lời thuyết phục nhất của chính quyền đối với toàn bộ sự tôn trọng và tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, xác tín lần nữa câu nói bất hủ từ cha ông để lại: lấy dân làm gốc.
Mức án ( nếu phải có) với anh em họ Đoàn là vì nó phải thế, nó đúng thế, chính xác như thế, theo điều luật, chứ không phải là mức án ( ngay cả tuyên vô tội) mà trong ý thức chính quyền chỉ là sự thỏa hiệp, chỉ là cách “ diễn xướng” làm đẹp dư luận, làm dịu phẫn uất của người dân, nếu vậy, thì có thể anh em họ Đoàn thỏa mãn nhưng nguy cơ về những tranh chấp bất công, những hành xử chà đạp lên luật pháp vẫn còn. Xử vụ án này để đi tới một ước muốn cháy bỏng của nhân dân và chính quyền là không còn xảy ra một vụ việc tương tự, đó là con đường thẳng tới sự minh bạch, thẳng tới một bộ luật đất đai đúng đắn và nhân văn, hướng tới một nền hành chính công thực sự vì nhân dân, cho nhân dân.
Tôi mơ ước: Từ thực tế diễn biến này, tòa tuyên anh Vươn án tù giam ( vì cũng phải nghiêm khắc cảnh cáo về hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe và mạng sống của người khác) bằng với thời gian đã tạm giam, và trả tự do cho anh tại tòa. Những người khác, hoặc là án treo, hoặc tuyên vô tội ( như chị Thương, chị Báu).
Và sau khi tuyên án, chủ tọa phiên tòa cần một cam kết, yêu cầu các cấp chính quyền một lời xin lỗi đàng hoàng với gia đình Đoàn Văn Vươn về những cái sai do mình gây ra để dẫn tới một hậu quả đáng tiếc.
Tôi mơ ước: Sau ba tiếng “tòa tuyên án”, Đoàn Văn Vươn có thể bước thẳng ra khỏi tòa, đồng hành cùng tự do, và ở dưới ấy, nơi đầm hồ cửa sông nhà anh, con rô, con chép đang quẫy đuôi, vỗ sóng vui mừng đón ông chủ yêu dấu của mình trở về.
Và từ lúc này, tôi lại mơ ước, không chỉ là gia đình anh Vươn, mà hàng triệu gia đình nông dân trên cả nước, sẽ được chính quyền đối xử đàng hoàng, đối xử một cách trân trọng, không còn xảy ra tranh chấp, không còn xảy ra khiếu nại, không còn xảy ra oan khiên, không còn xảy ra sự quay lưng đối mặt của chính quyền với bà con mình. Mơ ước này có thể chưa tới ngay nhưng phải hành động ngay từ bây giờ bằng điều luật, bằng pháp lệnh, bằng kiến thức và trách nhiệm của người thực thi công vụ, phải trả cho nhân dân quyền và nghĩa vụ thực sự đối với mảnh đất của mình, tài sản của mình, và chắc chắn lúc ấy nhân dân sẽ trả lại cho Nhà nước bằng những mùa vụ bội thu, bằng những dòng thuế đóng góp xây dựng đất nước.
“Tòa tuyên án”- đó là sự công bố về nhân phẩm của một dân tộc.
Nguồn: Mõ làng