Trang chủ Luận bàn - Phản biện Truy tố ông Vươn tội giết người là đúng

Truy tố ông Vươn tội giết người là đúng

223
0

Truy tố ông Vươn tội giết người là đúng

Hôm nay, Đoàn văn Vươn và các bị cáo trong vụ án Tiên Lãng đã ra tòa. Theo cáo trạng đã được tống đạt đến các bị cáo, họ sẽ bị truy tố hai tội: Giết người và chống người thi hành công vụ.

Cực chẳng đã, cả chính quyền lẫn người dân đã bị cuốn vào vòng xoáy pháp lí mà tôi tin chắc chẳng phía nào mong muốn nó diễn ra. Phía chính quyền thì đối mặt với những công dân lam lũ, ngụp lặn trong phù sa để mở rộng đất đai, làm ra hạt lúa củ khoai nuôi mình. Phía công dân thì đối diện với người đại diện mình bầu ra đã tạo điều kiện cho mình làm ăn, sinh sống.

Vụ Đoàn Văn Vươn đã như thanh nam châm hút mọi sự chú ý của công luận về Tiên Lãng. Sức hút đó không phải vì quy mô của vụ việc mà là quy mô của tầm chính sách quốc gia, chính sách đất đai.

Vụ Đoàn Văn Vươn đã chia dân chúng làm hai phe, có lúc đối đầu với nhau quyết liệt. Cuộc đối đầu này không phải chỉ là trừng phạt hay không trừng phạt với ông Vươn mà là cuộc chiến pháp lí cho những tội danh có nguyên nhân sâu xa từ những sai sót của chính quyền, nói cách khác là từ phía cơ quan hành pháp.

Đã có nhiều động thái, hành động diễn ra trong ngày xét xử đầu tiên cho thấy vấn đề rất nóng, những cái đầu bốc lửa nếu thiếu kiềm chế là rất có thể đẩy đến xung đột theo chiều hướng xấu.

Trước tiên, trên các trang mạng đã bung ra nhiều bài viết, cuộc phỏng vấn, những kiến nghị đòi trả tự do cho Đoàn Văn Vươn. Có nghĩa là ở đây không có tội giết người, không có hành vi chống người thi hành công vụ, phiên tòa này là bất hợp pháp, phi công lí. Mõ xin có ý kiến về từng vấn đề như sau:

1, Về ý kiến cho rằng, ông Vươn không phạm tội giết người

Lí lẽ mà một số vị như ông Trương Nhân Tuấn, thẩm phán Phan Quang Tuệ (ở Mĩ) đưa ra là: Theo kết luận của Thủ Tướng, quyết định thu hồi đất của chính quyền Tiên Lãng là không đúng quy định pháp luật; việc phá dỡ nhà ông Vươn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do việc cưỡng chế là sai luật nên không thể coi đó là công vụ, và vì vậy không có chuyện chống người thi hành công vụ. Còn với tội giết người, do không có ai chết thì không hiện hữu tội giết người mà chỉ là gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Các bị cáo chỉ bàn bạc chống thu hồi đất chứ không phải giết ai đó. Những người cưỡng chế đã xâm nhập vào khu vực sinh sống của các bị cáo mà khu vực này không nằm trong diện đất giải tỏa, bị cáo chỉ đơn giản là làm hàng rào phòng thủ, người xâm nhập bị thương thì phải chịu.

Những lập luận trên rõ ràng chỉ phù hợp với một diễn văn chính trị tồi chứ không phải là các luận chứng pháp luật. Luật chỉ xem xét hành vi cụ thể đã xâm phạm như thế nào, ở mức độ nào đối với đối tượng bảo vệ của luật pháp.

Mạng sống của con người được pháp luật bảo vệ, các bị cáo biết điều đó, không ai có quyền làm bất cứ điều gì để tước đi mạng sống của người khác khi người đó không đe dọa tính mạng của mình. Ông Vươn và người thân của ông biết rằng, xăng có thể làm bỏng đến chết người, bình ga nổ có thể sát thương con người ở cạnh nó, súng bắn đạn hoa cải có thể sát thương người trong tầm sát thương của nó. Vậy mà ông Vươn và người nhà ông đã dùng những thứ đó để tấn công người khác thì đó là dấu hiệu cố ý giết người rồi.

Hơn thế nữa, trước đó ông Vươn và người nhà ông đã có sự bàn bạc, lên kế hoạch, đi mua sắm vật dụng, vũ khí (theo cáo trang) về tổ chức tuyến sát thương từ vòng ngoài của nhà mình nhằm mục đích đối phó với đoàn cưỡng chế (chứ không phải chống trộm). Vậy là cố ý, có sự chuẩn bị cho hành vi phạm tội rồi, thậm chí còn lên kế hoạch, phân công, tính toán tuyến “phòng thủ” hẳn hoi chứ không phải là bộc phát nữa.

Khi đoàn cưỡng chế tiếp cận nhà mình ông Vươn và người nhà đã kích hoạt các chất nổ, chất cháy, nổ súng tấn công họ, làm nhiều người bị thương. Ông Vươn bất hợp tác ngay từ đầu (chứ không phải bức xúc mà nổ sung khi đang làm việc với nhau trong nhà mình). Vậy là cố ý giết người rồi.

Những dấu hiệu trên đã quá đủ để buộc tội ông Vươn và người nhà ông vào tội giết người ở mức độ biết là sẽ chết người và không chỉ là một người mà vẫn cố ý làm, làm mà có tính toán bàn bạc, lên kế hoạch từ trước. Đây là những kẻ không có lương tâm.

Nói rằng, do không có ai chết nên không thể kết tội giết người là cách nói ngụy biện, buồn cười. Nếu như vậy thì không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới này phải thả hết những tù nhân cướp giết mà nạn nhân đã được cứu chữa kịp thời nên không chết. Trong trường hợp này, có chăng ông Vươn nên được xem xét hai vấn đề. Một là phạm tội chưa đạt (do người bị ông Vươn, ông Quý… bắn không chết. Có nghĩa là hậu quả không nghiêm trọng, có thể giảm nhẹ hình phạt. Hai là, nguyên nhân đẩy ông Vươn và người nhà ông đến chống đối là từ quyết định sai của chính quyền khiến ông Vươn cảm thấy bất công.

2, Về ý kiến cho rằng ông Vươn và người thân của ông không phạm tội chống người thi hành công vụ.

Lí lẽ mà các vị nói trên đưa ra là: Theo kết luận của Thủ tướng, quyết định thu hồi đất của chính quyền Tiên Lãng là không đúng quy định pháp luật. Việc cưỡng chế, do sai luật nên không thể coi là công vụ, không có công vụ nên không có chống người thi hành công vụ. Cái cách lập luận này càng buồn cười. Vậy xin hỏi rằng thế nào là công vụ, khi nào thì có công vụ. Đến đứa trẻ cũng có thể nói rằng công vụ diễn ra khi có một việc được cấp có thẩm quyền giao cho phải làm. Nói công vụ cho văn hoa chứ đơn giản đó là một công việc cụ thể, có tên gọi, có nội dung. Ở đây, nó là việc giải tỏa, cưỡng chế. Công việc đó bắt đầu từ khi có quyết định giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền. Vì vậy, hoạt động cưỡng chế là một công vụ, những người tham gia cưỡng chế là đang thi hành công vụ. Vậy thì, sao có thể nói ông Vươn và người nhà ông không chống người thi hành công vụ được.

Còn câu chuyện ra quyết định công vụ sai, đó là lỗi của cấp trên và sẽ được xử lí ở một tội danh khác. Trong thực tế vụ việc ở Tiên Lãng, cùng với việc khởi tố ông Vươn, cơ quan công quyền đã khởi tố thêm tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Lê Văn Hiền, chủ tịch huyện, người kí quyết định cưỡng chế nhưng không nghiên cứu kĩ, dẫn đến sai luật. Truy tố ông Khanh, nguyên phó chủ tịch huyện cùng một loạt cán bộ dưới quyền về tội “Hủy hoại tài sản” do phá nhà ông Vươn. Và những lỗi này mới phát hiện ra sau khi công vụ cưỡng chế đã xong.

Ở đây còn một chi tiết khác mà ít người đề cập đến, đó là những người thi hành công vụ sao không dừng lại, hoặc không thực hiện công vụ do quyết định cưỡng chế sai. Điều này có thể được giải thích rằng, người thi hành công vụ không bắt buộc phải biết và có những việc người thi hành có thể nhận thức được sai trái, nhưng có những việc họ không nhận thức được sai trái. Chẳng hạn nếu lệnh là phải bắn vào nhân dân thì chắc họ nhận thức được là sai. Đằng này nó là vấn đề phức tạp của luật lệ về đất đai mà không phải ai cũng có đủ hiểu biết. Vì vậy công vụ vẫn mặc nhiên được thi hành. Và vì vậy, không thể nói không cấu thành tội chống người thi hành công vụ được.

Tóm lại, truy tố ông Vươn và các đồng phạm về tội giết người và chống người thi hành công vụ là hoàn toàn đúng luật, khách quan và công minh.

Trong vụ việc này, có chăng nên xét giảm mức độ hình phạt với các bị cáo ở khía cạnh, họ đã phạm tội do quá bức xúc với việc làm sai của cơ quan công quyền. Do cảm thấy quá bất công trước công sức, tiền của của mình có nguy cơ bị mất trắng. Cùng với đó là hậu quả gây ra không quá nghiêm trọng. Gia đình các bị cáo, nếu bị xử lí hết thì không có người nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái. Họ là những người lao động có nhân thân tốt.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây