SAO LẠI ĐỖ LỖI CHO SỞ HỮU TOÀN DÂN

Bạn Hà Huy Sơn có bài trên trang BauxitVN nói rằng: Việc Nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai mà chỉ thừa nhận một hình thức duy nhất là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” là nguồn gốc đẻ ra khủng hoảng thị trường bất động sản và hàng loạt các khủng hoảng chính trị, kinh tế, văn hóa, bất công xã hội.

Tôi cho rằng nói như vậy là hồ đồ, thậm chí chẳng hiểu gì về thị trường bất động sản cả.

Trước hết quyền sở hữu không liên quan trực tiếp đến giá đất, giá nhà cả. Nhà nước hay là tư nhân sở hữu nó thì cũng chỉ là đối tượng chi trả của người mua khi đất được mua bán mà thôi. Giá nhà, đất cao hay thấp là do thị trường, mà thị trường là do cung cầu. Đất nhiều, nhà nhiều mà người mua ít thì giá rẻ, ngược lại thì đắt, vậy thôi. Thị trường bất động sản đơn giản chỉ có vậy. Nói rằng do Nhà nước sở hữu nên nguồn cung thiếu, đẩy giá lên cũng sai nốt. Chỉ có Nhà nước mới có khả năng cung cấp quỹ đất với số lượng lớn, còn tư nhân đáng bao nhiêu (đấy là nói thực tiễn của VN). Chỉ có nhà nước quản lí mới chủ động định khung giá đất cho từng vùng, từng thời gian chống lại nạn đầu cơ, thổi giá của tư nhân.

Đất đai là tư liệu sản xuất, tư liệu đó nếu nằm trong tay nhà nước thì còn có cơ hội điều chỉnh, thực hiện chính sách “người cày có ruộng”, giúp đỡ người nghèo. Mỗi khi đất đai là sở hữu tư nhân, quyền định đoạt của họ thì sẽ có chuyện người giàu thâu tóm đất đai, biến người nghèo, kẻ yếu thành người làm thuê, bất công càng tăng thêm. Ở đâu đó, nếu có chuyện móc ngoặc giữa cán bộ công quyền với kẻ xấu để trục lợi, hoặc lợi dụng vị thế quản lí để trục lợi trên đất đai thì đó là câu chuyện sơ hở, thiếu minh bạch, gian lận của cách quản lí, của người quản lí chứ không phải do quyền sở hữu sinh ra. Hàng năm, Nhà nước đều công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai, công khai khung giá đất cho từng vùng làm căn cứ giám sát việc sử dụng đất. Vấn đề là phải tổ chức giám sát như thế nào để phát huy vai trò của nhân dân thì mới chống được vấn đề tiêu cực trong quản lí.

Cũng cần nói thêm rằng, ở những nước có quy định quyền sở hữu tư nhân về đất đai, ngoài vấn đề đề cao quyền cơ bản của công dân còn có nguyên nhân sâu xa là, ở những nước đó đất rộng, người thưa, quy định như vậy để khuyến khích dân chúng khai phá tài nguyên đất đai phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, xã hội. Việt Nam là một quốc gia có mật độ dân số vào loại cao nhất thế giới, đất chật, người đông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Nếu sự điều tiết của Nhà nước không đủ mạnh thì vấn đề đất đai càng phức tạp.

Quay lại vấn đề bất động sản, vậy do đâu mà thị trường nhà đất hỗn loạn, nguy cơ vỡ bong bóng nhà đất, kéo theo khủng hoảng tiền tệ. Cần thẳng thắn chỉ ra địa chỉ của kẻ tội đồ dó là những “nhà phân phối”, nói gọn là lũ buôn bán nhà đất.

Cấu thành giá nhà ở do ba yếu tố cơ bản tạo thành; một là giá đất xây dựng, hai là giá thành xây dựng, ba là nhu cầu thị trường. Ba cái đó cộng lại thành giá nhà kinh doanh. Nếu giá đất đắt đỏ, vật liệu, công xây đắt đỏ, thị trường khan hiếm thì giá nhà cao. Thực tiễn của VN vừa qua thì sao? Theo những nhà quản lí xây dựng, giá xây dựng hoàn thiện (với vật liệu tốt) chỉ khoảng 5 triệu 1 mét vuông, nếu cộng với giá đất (cho nhà chung cư) và giá thị trường thì chỉ bán với giá 10 đến 15 triệu là cả nhà xây dựng đến nhà kinh doanh đều đã có lãi. Ấy vậy nhưng các “nhà phân phối” cấp 1, cấp 2, cấp 3… mỗi cấp nâng giá một ít cho đến khi đến tay người dùng thì đã 30, 40 triệu một mét. Bằng các nghệ thuật thổi giá, công với tâm lí tham lam vì ăn quá dễ mà lại ăn đậm, các nhà phân phối đã tìm mọi cách huy động vốn để “ôm thật nhiều” căn hộ, sang tên, kiếm lời. Cơn bạc nhà đất đã lôi cuốn cả ngân hàng tung vốn ra cho vay, các doanh nghiệp nhà nước sẵn vốn được cấp củng dốc túi tiền vào đó kiếm lãi. Trong lúc, dân chúng có tiền và có nhu cầu nhà không nhiều, các nhà phân phối mỗi cấp ôm một ít. Đến một lúc nào đó nhà không bán được nữa, lãi suất ngân hàng vẫn phải trả, vay càng nhiều, ôm càng nhiều càng chết nhiều. Kẻ đầu tư xây dựng không thu được tiền để trả tiền vật liệu, trả tiền nhân công. Ngân hàng không đòi được vốn cho vay, không thu được lãi cũng chết theo (tuy nhiên cũng đã một thời ăn đậm). Doanh nghiệp nhà nước được cấp vốn vô tư, sản xuất thì khó liền ôm vốn đi kinh doanh nhà đất, thời tiền vô rủng rẻng thì ăn, đến khi không bán được nhà, không thu hồi được vốn thì gọi là nợ xấu. Vậy là, tái cơ cấu, cắt cái khoản lỗ đó lại, dung tiền nhà nước mua lại nợ xấu… Vậy đó bạn Hà Huy Sơn ạ, chẳng phải do sở hữu nhà nước gây ra đâu.

Trong cái vụ này, kẻ đáng chém nhất là “các nhà phân phối” (bao gồm cả tư nhân và doanh nghiệp nhà nước), nói cách khác là bọn con buôn nhà đất, thổi giá lên là do chúng, cướp của dân lành cũng là chúng. Gần đây, chúng còn dở trò xui nhà nước đánh thuế cả vào tiền tiết kiệm để rung dọa nhân dân phải rút tiền ra đi mua nhà. Chúng câu kết với bọn quan tham đề ra chính sách cho vay cứu bất động sản. Chính sách này chỉ cứu nhà giàu như các nhà báo đã chất vấn mà thôi. Bỡi, thay vì vay chừng ấy tiền lẽ ra mua được căn nhà to thì với giá như ngày nay chỉ mua được căn nhà bé. Dân vẫn chết do è cổ trả lãi, doanh nghiệp xây dựng cũng chỉ ăn được cái giá gốc, còn giá chênh lệch cao lại chảy vào túi bọn buôn nhà. Chẳng cứu nhà giàu là gì? Nói thêm với bà con, bọn duyệt chủ trương cũng là bọn đã ôm nhiều nhà rồi, nay chúng cấu kết với nhau mà thôi. Đừng có dại mà vay tiền mua nhà bây giờ, khi nào không lừa được ai, giá cả về với giá thị trường thực thì hãy mua. Đó là với người có thu nhập cao, sẵn tiền. Còn với người thu nhập thấp, nên chờ đến khi có nhà cho thuê thì thuê mà ở. Rồi lại phải bỏ tiền nhà nước ra ( là thuế của dân đóng góp) mua lại nhà mà cho thuê, bán trả góp thôi.30 ngìn tỉ cho vay lãi suất thấp so với hàng trăm ngàn căn hộ dư thừa thì chẳng bõ bèn gì.

Nếu giá nhà như hiện nay thì hãy đợi đấy, dân chúng đã khôn hơn rồi các nhà ăn cướp ơi.

Nguồn: Mõ làng