Xã hội chủ nghĩa hay là gì?

Lại thêm một khái niệm nữa được xới lên, sau những “quyền phúc quyết”, “điều 4”, “tam quyền phân lập”, “phi chính trị hóa”… và bây giờ là vấn đề “Nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Cũng như những vấn đề trước đó, cái được bàn đến là có nên để XHCN hay không. Những ý kiến nói không là dựa trên lí lẽ nó là cái chưa có hiện thực, chỉ là một mô hình lí tưởng mà thôi vì vậy không nên chung thân với cái chưa có.

Thực ra, thế giới cũng đang trong cuộc săn lùng mô hình cho mình mà thôi, và tất cả cũng đang trong bước hoàn thiện không ngừng. Chưa khẳng định được mô hình nào là tốt nhất. Mõ tôi xin điểm lại để cùng nhận thức cho khách quan.

Nếu liệt kê cho hết các mô hình nhà nước được xây dựng trên một chủ thuyết nhất định nào đó thì có rất nhiều. Có thể kể ra một số chủ thuyết như: Chủ nghĩa bảo thủ; Chủ nghĩa tư bản; Chủ nghĩa cộng đồng; Chủ nghĩa tam dân; Chủ nghĩa tự do; Chủ nghĩa xã hội; Chủ nghĩa xã hội dân chủ…

Chủ nghĩa bảo thủ là các luận thuyết triết học chính trị ủng hộ truyền thống và sự thay đổi từ từ, trong đó truyền thống là các niềm tin hoặc tập quán tôn giáo, văn hóa hoặc dân tộc. Nguồn gốc của chủ nghĩa bảo thủ bắt nguồn tự sự chống đối lại chủ nghĩa tự do (khi đó họ xem là cực đoan), được phát triển thành hai xu hướng. Xu hướng ở Pháp muốn quay lại thời kỳ trước cách mạng Pháp, và hay được xem là phản động – phản lại một sự chuyển động tất yếu- xu hướng này về sau lụi tàn. Xu hướng ở Anh có tính ôn hòa hơn, và sau là nền tảng của chủ nghĩa bảo thủ hiện đại. Sự phát triển của chủ nghĩa bảo thủ là một nguyên nhân ra đời các nhà nước quân chủ lập hiến ở nhiều nước, nơi tồn tại một chế độ quân chủ hình thức với một nền dân chủ. Những người bảo thủ thường coi trọng sự đoàn kết dân tộc và hay khêu gợi lòng yêu nước, cũng như các giá trị văn hóa dân tộc. Những người theo chủ nghĩa bảo thủ ủng hộ cho tư hữu và chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, chủ nghĩa bảo thủ được coi là thuộc cánh hữu. Chủ nghĩa bảo thủ có nhiều sự phân hóa thành các trường phái khác nhau, và do các quốc gia có hoàn cảnh khác nhau nên những người bảo thủ các nước khác nhau về đường lối.

Chủ nghĩa tư bản là một hình thái kinh tế – xã hội của xã hội loài người, xuất hiện đầu tiên tại châu Âu phôi thai và phát triển từ trong lòng xã hội phong kiến châu Âu và chính thức được xác lập như một hình thái xã hội tại Anh và Hà Lan ở thế kỷ thứ 17. Sau cách mạng Pháp cuối thế kỷ 18 hình thái chính trị của “nhà nước tư bản chủ nghĩa” dần dần chiếm ưu thế hoàn toàn tại châu Âu và loại bỏ dần hình thái nhà nước của chế độ phong kiến, quý tộc. Chủ nghĩa tư bản không đồng nhất với chủ nghĩa tự do dù nền tảng là kinh tế tư hữu. Nói cách khác chủ nghĩa tư bản là một trong các hình thái kinh tế của sản xuất tư hữu, và đối lập với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng sở hữu công cộng. Các chính sách an sinh xã hội trong nền kinh tế tư bản không phải là thành tố của chủ nghĩa tư bản, và cũng không phải biểu hiện đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Chính xác hơn là nó là một biểu hiện của một nền kinh tế được điều chỉnh ít nhiều bởi nhà nước.

Đặc điểm đặc trưng nhất của chủ nghĩa tư bản là nhìn nhận quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do sản xuất và kinh doanh được xã hội bảo vệ về mặt luật pháp và được coi như một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không loại trừ hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu toàn dân và đôi khi ở một số nước tại một số thời điểm tỷ trọng của các hình thức sở hữu này chiếm không nhỏ. 

Trong hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa các cá nhân dùng sở hữu tư nhân để tự do kinh doanh bằng hình thức các công ty tư nhân để thu lợi nhuận thông qua cạnh tranh trong các điều kiện của thị trường tự do: mọi sự phân chia của cải đều thông qua quá trình mua bán của các thành phần tham gia vào quá trình kinh tế. Các công ty tư nhân tạo thành thành phần kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế chủ yếu của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Có thể nói các yếu tố quyền tư hữu, thành phần kinh tế tư nhân, kinh doanh tự do, cạnh tranh, động lực lợi nhuận, tính tự định hướng tự tổ chức, thị trường lao động, định hướng thị trường, bất bình đẳng trong phân phối của cải là các khái niệm gắn liền với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa cộng đồng là một loạt các học thuyết triết học khác nhau bắt đầu từ cuối thế kỷ 20 nhưng đều có điểm chung là phản đối chủ nghĩa cá nhân cực đoan và các hình thức triết học khác của chủ nghĩa này; đồng thời ủng hộ một xã hội văn minh. Chủ nghĩa cộng đồng thường phải đối lập gay gắt với chủ nghĩa tự do xã hội hay thậm chí cả chủ nghĩa dân chủ xã hội. Về mặt học thuật có thể xếp thuyết này vào nhóm các nghiên cứu xoay quanh khái niệm cộng đồng, có thể nhỏ như mối quan hệ hàng xóm láng giềng, làng xã, cho đến vùng miền hay ở mức to hơn là cả quốc gia.

Những người theo đuổi chủ thuyết chủ nghĩa cộng đồng thường nhấn mạnh tới trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, hơn là quyền của chính phủ đối với cá nhân đó. Điểm khác biệt giữa chủ thuyết này với chủ nghĩa cộng sản là ở chỗ nó không lấy mô hình kinh tế làm cơ sở, mà là một kết cấu chính trị xã hội, lấy quyền lợi quốc gia làm trọng tâm.

Chủ nghĩa Tam dân là một cương lĩnh chính trị do Tôn Dật Tiên đề xuất, với tinh thần biến Trung Quốc thành một quốc gia tự do, phồn vinh và hùng mạnh. Việc kế thừa và hiện thực ngày nay thể hiện rõ nhất trong tổ chức chính quyền của Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan). Triết lý này cũng xuất hiện trong dòng đầu tiên của Quốc ca Cộng hòa Trung Hoa. Cương lĩnh (hay học thuyết) chính trị này bao gồm: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.

Chủ nghĩa tự do là một hệ tư tưởng, quan điểm triết học, và truyền thống chính trị cho rằng tự do là giá trị chính trị cơ sở. Chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ phong trào Khai sáng ở phương Tây, nhưng thuật ngữ này mang nhiều nghĩa khác nhau trong các giai đoạn khác nhau. Như tại Mỹ, khái niệm chủ nghĩa tự do có ý nói đến chủ nghĩa tự do mới, trong khi ở các nơi khác nó vẫn mang ý nghĩa ban đầu của chủ nghĩa tự do cổ điển.

Một cách khái quát, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến quyền cá nhân. Nó đi tìm kiếm một xã hội có đặc điểm là tự do tư tưởng cho mỗi cá nhân, hạn chế quyền lực (nhất là của nhà nước và tôn giáo), pháp trị, tự do trao đổi tư tưởng, một nền kinh tế thị trường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tự do, và một hệ thống chính phủ minh bạch trong đó các quyền của công dân được bảo vệ. 

Nhiều người theo chủ nghĩa tự do mới ủng hộ sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước đến thị trường tự do, thường dưới hình thức các đạo luật chống phân biệt, phổ cập giáo dục và đánh thuế lũy tiến. Triết lý này thường được mở rộng sang cả niềm tin rằng chính phủ phải có trách nhiệm tạo ra phúc lợi chung, trong đó có cả trợ cấp thất nghiệp, nhà ở cho người không nơi cư trú và chăm sóc y tế cho người ốm. Những hoạt động và sự can thiệp mang tính công cộng như trên không được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển hiện đại, một chủ nghĩa nhấn mạnh đến tự do doanh nghiệp tư nhân, quyền sở hữu tài sản của cá nhân và tự do khế ước. Các nhà tự do cổ điển cho rằng bất bình đẳng kinh tế là điều tự nhiên diễn ra từ sự cạnh tranh của thị trường tự do và không phải là lý do để dựa vào đó mà có thể vi phạm quyền sở hữu tài sản cá nhân.

Chủ nghĩa tự do phủ nhận nhiều giả thuyết nền tảng đã thống trị các lý thuyết đầu tiên về nhà nước, chẳng hạn như thần quyền của vua chúa, vị trí có được do thừa kế và quốc giáo. Những quyền căn bản của con người mà tất cả những người theo chủ nghĩa tự do đều ủng hộ là quyền được sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản.

Cách sử dụng rộng rãi nhất đối với thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” là trong ngữ cảnh của một nền dân chủ tự do. Theo nghĩa này, chủ nghĩa tự do dùng để chỉ một nền dân chủ trong đó quyền lực nhà nước bị giới hạn và quyền của công dân được pháp luật công nhận; điều này gần như là thống nhất trong các nền dân chủ phương Tây. 

Chủ nghĩa xã hội dân chủ xã hội là một hệ tư tưởng chính trị thuộc cảnh tả hoặc thiên tả, xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 từ phong trào Xã hội chủ nghĩa và vẫn tiếp tục có ảnh hưởng tại nhiều nước trên thế giới. 

Những người đi theo hệ tư tưởng này ban đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx nhưng xét lại trên một số phương diện. Ngày nay phong trào này cũng có nhiều sự phân hóa, một số tiếp tục chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx trên một số phương diện, một số khác thì không. Dân chủ xã hội thường được xem là một hệ tư tưởng chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân đạo, và có chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do trên một số phương diện. Tuy nhiên, phần lớn các nước, dân chủ xã hội là lực lượng chính cạnh tranh với những người theo chủ nghĩa bảo thủ, thường có xu hướng chống lại nhà nước can thiệp trực tiếp kinh tế.

Khác với chủ nghĩa xã hội với mục đích chấm dứt ưu thế của hệ thống tư bản chủ nghĩa hay mục đích thay thế nó một cách triệt để. Phong trào dân chủ xã hội hiện đại hướng đến việc cải tạo chủ nghĩa tư bản một cách hòa bình thông qua tiến hóa xã hội, qua sự điều hành của nhà nước và việc xây dựng các chương trình và tổ chức cho nhà nước tài trợ để hoạt động nhằm giảm nhẹ hoặc dần loại bỏ những sự bất công do hệ thống thị trường tư bản chủ nghĩa gây ra. Một số đảng ủng hộ các chương trình quốc hữu hóa. Từ Dân chủ xã hội cũng được dùng để chỉ hình thức xã hội mà các nhà hoạt động dân chủ xã hội muốn xây dựng.

Các đảng dân chủ xã hội thường có tên Đảng xã hội chủ nghĩa, Đảng dân chủ xã hội, Đảng lao động, Liên minh dân chủ xã hội… Do cùng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx nên nhiều đảng trong số này có quan hệ liên minh với các đảng Cộng sản thành một lực lượng chính trị thống nhất được gọi là Cánh tả. 

Chủ nghĩa xã hội bao gồm các tư tưởng chính trị ủng hộ một hệ thống kinh tế-xã hội mà trong đó các sở hữu và các tài sản là thuộc quyền điều khiển của toàn thể cộng đồng nhằm mục đích tiến đến sự công bằng trong xã hội và trong kinh tế cũng như tiến đến một sự hợp tác tốt hơn. Quyền điều khiển có thể là trực tiếp qua một tập thể như hình thức công đoàn hay gián tiếp qua hình thức nhà nước. Nhìn theo khía cạnh kinh tế thì chủ nghĩa xã hội có đặc tính là sự sở hữu của các phương tiện sản xuất đã được “cộng đồng hóa”.

Có rất nhiều tư tưởng và phong trào được gọi, hay tự gọi, là theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng từ thế kỷ 19 đến nay, những người theo chủ nghĩa xã hội đã không thể đưa ra một tư tưởng hay một kế hoạch chung cho họ. Trái lại, những người theo chủ nghĩa xã hội tự chia họ ra nhiều nhánh khác nhau và đôi khi đối nghịch nhau, nhất là giữa những người theo nhánh chủ nghĩa xã hội cải cách và những người theo chủ nghĩa cộng sản.

Kể từ thế kỷ 19 những người theo chủ nghĩa xã hội đã có những lối nhìn khác nhau cho chủ nghĩa này dưới góc độ của một hệ thống về cách tổ chức kinh tế. Một số người muốn quốc hữu hóa hoàn toàn các phương tiện sản xuất, trong khi những người dân chủ xã hội đề nghị chỉ quốc hữu hóa một số kỹ nghệ chính trong phạm vi của một nền kinh tế hỗn hợp giữa thị trường và nhà nước. Một số quốc gia tự gọi mình là Cộng sản tại Nam Tư và Hungary trong thập niên 1980 và thập niên 1990, ở Trung Quốc sau thời kỳ cải cách và một số nhà kinh tế học phương Tây, đã đề nghị nhiều dạng của chủ nghĩa xã hội thị trường nhằm mục đích tìm được hòa giải giữa hai lợi thế của quốc hữu hóa và của sức mạnh thị trường. Vì các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản hay sử dụng các từ “xã hội chủ nghĩa” và “chủ nghĩa xã hội” để tự gọi họ nên đã có nhiều nhầm lẫn. Sự khác biệt giữa hai chủ nghĩa là: theo lý thuyết của những người theo chủ nghĩa Mác- Lênin chủ nghĩa xã hội là giai đoạn nằm giữa trong quá trình từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản. Còn những người theo trường phái chủ nghĩa xã hội khác đưa ra chủ nghĩa xã hội là hình thái kinh thái kinh tế – xã hội không phải chủ nghĩa tư bản, và không đưa ra mục tiêu tiến đến chủ nghĩa cộng sản. Một số trường phái chủ nghĩa xã hội vẫn chấp nhận đa nguyên về kinh tế và chính trị. Chủ nghĩa này tạo ra sự bình đẳng xã hội bằng chính sách thuế và an sinh xã hội thay vì kinh tế tập thể bắt buộc.

Rõ ràng, các quốc gia trên thế giới cũng đang mày mò tìm kiếm con đường đi của mình, vậy sao lại vội kết luận rằng Chủ nghia xã hội là thứ bỏ đi?

Lựa chọn mô hình nào không phải là sở thích của một ai đó mà là quá trình chọn lọc dựa trên nhiều yếu tố đặc điểm riêng có của quốc gia mình về kinh tế, văn hóa, xã hội. Việt Nam chọn mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường nhằm lấy yếu tố kinh tế thị trường để kích thích sự phát triển. Đồng thời dung yếu tố cân bằng phân phối của cải làm ra để chống lại sự bất công, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, trong điều kiện một đất nước vừa mới thoát ra khỏi chiến tranh với 10% dân số là thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng (chưa kể hàng triệu hộ nghèo) cần phải trợ cấp. Không lấy nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội để giải quyết vấn đề xã hội thì làm gì được hơn trong bối cảnh đó.

Nói tóm lại, những kẻ hô hào từ bỏ chủ nghĩa xã hội chỉ là ếch ngồi đáy giếng.

Nguồn: Mõ làng